Tuesday, February 7, 2017

Giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0 (Nhân Dân số Xuân Đinh Dậu 2017)

Giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0

Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn lao chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - còn được biết đến dưới tên gọi là công nghiệp thế hệ 4.0 - đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những biến động khôn lường, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống con người trong thế kỷ 21. Đó là thông điệp của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum, WEF) tại Hội nghị thường niên được tổ chức tại Thụy Sĩ vào đầu năm 2016.

Vì sao cách mạng công nghiệp lần thứ tư lại được chọn làm chủ đề thảo luận tại một diễn đàn chuyên về kinh tế như WEF? Không khó để có thể đoán được rằng cuộc cách mạng này sẽ ảnh hưởng đến sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Theo lời của chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, tiến sĩ Klaus Schwab,“chưa từng bao giờ có một thời đại đầy hứa hẹn và cũng đầy hiểm họa đến thế.”[1] Sẽ có kẻ được và người mất, trong đó kẻ được là những người đã chuẩn bị và người mất là người chưa sẵn sàng cho cái thế giới mới mẻ và đầy biến động ấy.

Lịch sử nhân loại chưa từng chứng kiến những đột phá về khoa học công nghệ xuất hiện dồn dập như trong vài thập niên qua. Có thể liệt kê một loạt các thành tựu mới như mạng viễn thông hội tụ đa phương tiện, các loại thiết bị di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật (IoT), hình ảnh ba chiều, trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hóa - danh sách này còn có thể kéo dài thêm nhiều nữa. Những thành tựu này cho phép một người chỉ ngồi tại nhà vẫn có thể nhìn thấy và trao đổi với người thân ở cách xa nửa vòng trái đất, mua hàng qua mạng, giao dịch ngân hàng, mua vé máy bay, đặt khách sạn, hội họp và trao đổi với các đối tác kinh doanh, hoặc tham gia một lớp học, nghe giảng, trao đổi với thầy cô bạn bè, nộp bài tập và nhận kết quả vv - tất cả chỉ với một chiếc điện thoại thông minh - điều mà cách đây vài chục năm không ai có thể tưởng tượng.

Toàn bộ cuộc sống cùng thói quen của con người đã thay đổi một cách căn bản và không thể đảo ngược. Công nghiệp 4.0 đã mang lại cho chúng ta những ngôi nhà tự báo động khi có kẻ trộm, tự bật đèn hoặc lò sưởi, tự tưới cây vv; những robot thông minh có thể chăm sóc người già; những chiếc xe hơi tự điều khiển không cần người lái; và cả những nhà máy hoàn toàn không có công nhân. Máy móc, thiết bị điện tử, phần mềm máy tính, và mạng viễn thông đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của cuộc sống con người. Thế giới ngày nay không còn là một thế giới vật lý đơn thuần với những sự vật và ranh giới cụ thể của cách đây 50 năm, mà đã mở rộng ra vô biên và kết nối chằng chịt, đồng thời có sự hòa quyện và tương tác giữa con người và các yếu tố vật lý (physical), tức thế giới của các đồ vật, của máy móc thiết bị; và yếu tố “kỹ thuật số” (digital) - là yếu tố “ảo”, không có sự tồn tại dưới dạng vật thể của các dữ liệu và thuật toán. Như tựa của một bài viết vào tháng 7/2016 trên trang The Verge, “thế giới của chúng ta đang nhanh chóng trở thành một thuộc địa số.”[2]

Và đây chính là căn nguyên của những hứa hẹn và những hiểm họa của thời đại công nghiệp 4.0 mà báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới đã nhắc đến và nhấn mạnh nhiều lần. Chất lượng sống của con người đang được cải thiện đáng kể, nhưng thị trường lao động cũng đang thay đổi nhanh chóng, với hàng loạt các công việc truyền thống không còn tồn tại do thay đổi công nghệ hoặc tự động hóa. Nền “sản xuất thông minh” với “những nhà máy của tương lai” nơi mọi dữ liệu và thông tin trao đổi giữa các bộ phận trong nhà máy và với khách hàng bên ngoài trên khắp thế giới được chuyển đi trong thời gian thực, nơi các robot sản xuất thay thế toàn bộ hoạt động từ nặng nhọc đến phức tạp, nơi các camera và thiết bị cảm ứng giúp giám sát mọi hoạt động của công ty, xí nghiệp mọi lúc mọi nơi mà không cần sự có mặt của con người... - tất cả những điều này không còn là khoa học viễn tưởng mà đã thực sự tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.

Một thời đại như vậy đòi hỏi một nền giáo dục ra sao? Nếu hiểu giáo dục là chuẩn bị hành trang cần thiết để người học tự tin bước vào cuộc sống, thì cần trang bị cho họ những kỹ năng hữu ích, không chỉ cho hiện tại mà còn cả tương lai. Nếu thế giới ngày nay ngày càng trở thành một thế giới tự động hóa, số hóa và được kết nối cao độ, nơi máy tính trở nên một công cụ lao động phổ biến và việc khai thác thông tin trên Internet trở thành một kỹ năng cơ bản như kỹ năng đọc viết trước đây, thì chẳng có lý do gì để nhà trường không trang bị máy tính có nối mạng đến từng học sinh phổ thông ở mọi địa phương, ít ra là từ trung học phổ thông nếu không phải là sớm hơn. Ngoài ra, cũng cần nhanh chóng áp dụng việc giảng dạy và học tập với sự hỗ trợ của công nghệ (ít ra là từ trung học phổ thông), chẳng hạn các hệ thống quản lý học tập trên Internet như Blackboard hoặc Moodle, các thiết bị đa phương tiện, các phần mềm mô phỏng, sử dụng phương pháp học tập hỗn hợp (blended learning) và lớp học đảo ngược (flipped classroom). Phương pháp giảng dạy trong nhà trường cần phải được thay đổi cho phù hợp với thế giới ngày nay, để vừa tận dụng các thành tựu công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả dạy học, và quan trọng hơn là để trang bị cho người học sự tự tin và thành thạo trong việc sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại - tức trang bị cho học sinh có “kỹ năng công nghệ” (technology skill), vốn được các nước tiên tiến xem là kỹ năng cơ bản của mọi học sinh ngay từ đầu thiên niên kỷ.

Đặc biệt, trong giáo dục sau trung học (bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp lẫn giáo dục chuyên nghiệp), cần có những dự báo chính xác về thị trường lao động để lựa chọn đào tạo những ngành nghề thực sự cần thiết - không chỉ cho thị trường trong nước của ngày hôm nay, mà còn là thị trường toàn cầu của tương lai. Không phải tự nhiên mà các nước tiên tiến, ví dụ như Mỹ, Úc, Canada, lại khuyến khích học sinh, sinh viên lựa chọn các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, thậm chí còn tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc sau khi học, bởi đó là những ngành cần thiết nhằm cung cấp nhân lực cho cuộc cạnh tranh kinh tế trong nền công nghiệp 4.0. Những ngành học này tất nhiên đòi hỏi một mức đầu tư cao hơn nhiều so với các ngành xã hội, nhân văn hoặc khoa học cơ bản, nhưng đó là sự đầu tư cho cần thiết cho tương lai nếu chúng ta không muốn bị trở thành kẻ thua cuộc. Để chuẩn bị nhân lực sống và làm việc trong một thế giới nơi các máy móc thiết bị ngày càng đóng một vai trò quan trọng, thì không thể chấp nhận việc sinh viên thuộc các ngành kỹ thuật vẫn phải học chay với sách vở mà thiếu thực hành do không đủ máy móc như hiện nay. Cuối cùng, thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo-đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu – và đó cũng là những kỹ năng mà sinh viên Việt Nam đang thiếu nhiều nhất.

“Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi một nền giáo dục 4.0”[3] – Thomas Osburg, giáo sư trường đại học Hannover (Đức) đã kết luận như vậy trong bài viết đăng trên trang LinkedIn cá nhân của ông. Việc chuyển đổi từ một nền giáo dục chỉ phù hợp với một thế giới ít biến động như trước đây sang một nền giáo dục phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 là một điều không dễ dàng ngay cả với một đất nước tiên tiến như Đức. Tuy nhiên, không dễ không có nghĩa là chúng ta được quyền không làm. Bởi, bắt chước lời của giáo sư Derek Bok nguyên hiệu trưởng của đại học Harvard khi nói về sự cần thiết của việc số hóa giáo dục, chúng ta hoàn toàn có thể nói với những ai còn ngần ngại với việc đổi mới: “Nếu bạn cho rằng giáo dục 4.0 là quá tốn kém, thì bạn cứ thử đứng ngoài xem hậu quả ra sao.”

No comments:

Post a Comment