Tuesday, July 8, 2014

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Đậu gần 100%, có cần thiết phải thi không?

Bài viết này của tôi đã được Tia Sáng đăng sau khi biên tập lại chút ít, với tựa mới là "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ". Có thể đọc bản đăng báo ở đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7665

Dưới đây là bài gốc chưa qua biên tập. Xin mời các bạn.
------------


Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Đậu gần 100%, có cần thiết phải thi không?
Vũ Thị Phương Anh[1]
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, năm đầu tiên triển khai chủ trương đổi mới thi cử của Bộ với rất nhiều thay đổi mang tính đột phá, vừa kết thúc với tỷ lệ đậu gần 100%. Những phát biểu trên báo chí của các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Cục Khảo thí (nơi trực tiếp chịu trách nhiệm về kỳ thi) cho thấy Bộ khá hài lòng về kết quả này. Theo nhận định của Bộ, kỳ thi năm nay đã phản ánh khá đúng chất lượng của nền giáo dục, và những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi bước đầu đã có tác dụng tốt[2]. Vì vậy, kỳ thi năm nay được Bộ xem   một tiền đề để tiếp tục đổi mới thi cử, hướng tới một kỳ thi duy nhất với kết quả được sử dụng vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa là một căn cứ quan trọng trong quy trình tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ[3].

Quan điểm lạc quan của Bộ, tiếc thay, không được công chúng chia sẻ. Tỷ lệ đậu quá cao – cao nhất từ trước đến nay, và cao hơn nhiều so với năm 2007 là năm được xem là cột mốc quan trọng của nỗ lực “học thật, thi thật” – đã tạo ra những dư luận không tốt về kỳ thi. Đa số công chúng cho rằng với kết quả này, kỳ thi năm nay hoàn toàn là hình thức, là biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục ở mức cao nhất, và là sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc rất lớn của toàn xã hội. Một kỳ thi huy động toàn ngành giáo dục với hàng chục ngàn thầy cô giáo và ảnh hưởng đến cả triệu thí sinh cùng gia đình, vậy mà chỉ làm được mỗi một việc là loại ra khoảng xấp xỉ 1% thí sinh chưa đạt yêu cầu, thì có thực sự cần thiết hay không[4]

Tỷ lệ đậu càng cao, chất lượng thi càng thấp?

Đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là một điều mới có trong năm 2014 này, mà đã được liên tục nhắc đến từ vài năm nay, thậm chí được vài vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đồng tình. Câu trả lời của Bộ lâu nay vẫn là một khẳng định chắc nịch rằng không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp; thi cử là để kiểm tra chứ không phải là để đánh rớt thí sinh. Vậy ai sai, ai đúng?

Lập luận của những người đề nghị bỏ thi tốt nghiệp được xây dựng trên một suy nghĩ rất phổ biến, đó là: đã thi thì phải có đậu có rớt, và kỳ thi có tỷ lệ đậu càng thấp thì chất lượng của nó càng cao. Nhưng dưới cái nhìn chuyên môn, điều này không hoàn toàn đúng. Tỷ lệ đậu rớt tự nó chẳng có ý nghĩa gì cả; quan trọng là phải xem xét tỷ lệ này theo mục đích của kỳ thi. 

Một kỳ thi tuyển chọn tài năng không thể có tỷ lệ đậu gần 100% như hiện nay vì sẽ không tuyển được những người xuất sắc nhất. Nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm tuyển chọn tài năng, mà chỉ nhằm xác định xem thí sinh đã đạt được những năng lực tối thiểu cần có của một người đã hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông hay chưa. Trong trường hợp này, tỷ lệ đậu caO là một điều đáng mừng, vì nó cho thấy có nhiều người đã đạt được mức năng lực tối thiểu cần đạt. Tất nhiên, cả hai trường hợp trên chỉ đúng trên cơ sở giả định rằng toàn bộ quy trình làm đề thi và tổ chức kỳ thi được đảm bảo là không có lỗi.

Như vậy, lập luận không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp vì tỷ lệ đậu quá cao là không đứng vững. Nhu cầu kiểm tra năng lực tối thiểu của học sinh ở thời điểm kết thúc giai đoạn 12 năm học ở trường phổ thông luôn là cần thiết để có thông tin về chất lượng và hiệu quả của cả một nền giáo dục. Điều này cũng giống như việc các cơ quan tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho nhân viên hàng năm để nắm được tình hình chung về sức khỏe của mọi người. Không thể nói rằng do tỷ lệ nhân viên đủ sức khỏe để làm tiếp tục làm việc lúc nào cũng đạt gần 100% nên không cần tổ chức khám sức khỏe nữa. Cũng với những lập luận tương tự, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, khi trả lời phỏng vấn trên tờ Vietnamnet ngày 18/6/2014 đã tiếp tục khẳng định rằng sẽ vẫn thi tốt nghiệp.

Dù thế nào thì con số gần 100% thí sinh tốt nghiệp trong một kỳ thi được cho là nghiêm túc và có chất lượng tốt vẫn không làm cho mọi người yên tâm. Khi bị chất vấn tại cuộc họp báo về kết quả tốt nghiệp rằng phải chăng tỷ lệ đậu cao là do đề thi được đặt ở chuẩn chất lượng thấp, Bộ Giáo dục đã đưa ra những số liệu từ bên ngoài   kết quả của các kỳ thi Olympic quốc tế, kết quả của kỳ thi PISA mới đây – để khẳng định nhận định lạc quan của mình là có cơ sở. Nhưng những lập luận và chứng cứ có vẻ khách quan và khó lòng tranh cãi mà Bộ đưa ra vẫn không thuyết phục được báo giới. Sau cuộc họp báo, những bài viết bày tỏ sự băn khoăn, nghi ngờ về kỳ thi và kêu gọi bỏ thi vẫn tiếp tục ngập tràn trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Vậy thì tại sao?

Nhiều câu hỏi lớn không lời đáp...

Có một sự thực mà không ai có thể chối cãi: Từ nhiều năm nay, những câu hỏi về những điểm chưa rõ, những điều mâu thuẫn hoặc những việc bất thường liên quan đến các số liệu của các kỳ thi và chất lượng giáo dục Việt Nam vẫn thường được Bộ né tránh.

Có rất nhiều ví dụ. Trong nhiều năm qua, báo chí đã báo động tình trạng học sinh phổ thông chán ghét môn Sử. Hẳn chưa ai quên những “chuyện khó quên” liên quan đến môn học này trong vài năm gần đây: Hàng ngàn điểm 0 môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011. Đề cương môn Sử bị xé và thả trắng sân trường trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013khi học sinh biết môn này sẽ không thi. Số thí sinh chọn thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ chiếm hơn 11%, đứng chót trong số các môn tự chọn, trong khi các môn Lý, Hoá có đến trên dưới 50% thí sinh[5]

Vậy mà thật bất ngờ, kết quả thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay lại khá cao. Điều này cần được diễn giải ra sao? Phải chăng đây là một dấu hiệu đáng mừng, vì vẫn có một tỷ lệ nhỏ học sinh yêu thích và học giỏi môn Sử, báo hiệu khả năng phục hồi của môn Sử nếu chúng ta chăm chút đầu tư cho nó? Hay ngược lại, điểm này là do các thầy cô ra đề và chấm bài môn Sử đã nhẹ tay để khuyến khích các em đã (dám) chọn thi môn Sử?

Một ví dụ khác. Trong kỳ thi lần này có tình trạng những thí sinh có số báo danh gần nhau đạt điểm thi na ná như nhau trong những môn thi trắc nghiệm, mặc dù điểm trong lớp của các em cho những môn học này khá chênh lệch. Có hay không có sự gian lận, tiêu cực? Câu hỏi này đã được các nhà báo nêu ra, và Bộ hứa sẽ kiểm tra lại[6]. Nhưng Bộ sẽ kiểm tra như thế nào được khi kỳ thi đã xong, thi trắc nghiệm chỉ khoanh A, B, C, D thì không thể dựa vào bài làm để suy luận xem ai chép của ai, mà ngay cả nếu vẫn có cách để kiểm tra thì sau khi có kết quả liệu Bộ có công bố rộng rãi hay không? Nếu sau khi kiểm tra mà kết luận là có tiêu cực thì Bộ có sẽ thay đổi nhận định về tỷ lệ đậu gần 100% của năm nay hay không?

Còn nữa. Đề thi môn Văn năm nay được đánh giá là hay, có tính mở và khuyến khích sự sáng tạo. Trong khi đó, việc dạy Văn trong nhà trường nhiều năm nay bị phê phán là “biến học sinh thành con vẹt”, chỉ chăm chăm vào văn mẫu, giết chết sự sáng tạo của các em. Việc so sánh kết quả thi môn Văn so với điểm học trong lớp vì vậy chắc chắn sẽ đem lại những phát hiện thú vị và có ý nghĩa, nhưng chưa thấy Bộ nói gì về điều này. Vậy Bộ có ý định thực hiện sự so sánh này không, và nếu có thì bao giờ làm, làm xong có định công bố rộng rãi cho mọi người biết hay không? Bởi, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của Việt Nam đang rất cần những thông tin như vậy để tạo ra những tác động tích cực trong việc dạy học mà việc đổi mới thi cử đang nhắm đến.

Phải chăng quá khó để trả lời?

Những câu hỏi trên đều không quá khó để tìm câu trả lời và cũng không mất nhiều thời gian để thực hiện. Bất cứ ai đã học hết lớp 12 nếu được hướng dẫn đều có thể thực hiện được dễ dàng, chỉ cần một một số thao tác trên bảng tính dựa trên những số liệu gốc của kỳ thi. Những số liệu này hiện đang nằm trong tay Bộ Giáo dục, và chỉ Bộ Giáo dục mới có mà thôi.  

Tại các nước tiên tiến, số liệu thi cử của các kỳ thi quốc gia luôn được công bố công khai cùng những phân tích số liệu để chỉ ra những khuynh hướng đáng lưu ý và/hoặc đưa ra những nhận định về hiện trạng của nền giáo dục. Ở Việt Nam, những việc này cho đến nay vẫn chưa được thực hiện, và cũng không thấy Bộ Giáo dục nhắc đến trong chủ trương đổi mới thi cử hiện nay. Có lẽ Bộ không đủ nhân sự để thực hiện vì còn bận nhiều việc khác, cho dù hiện nay cả nước đã có một hệ thống các phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc các Sở Giáo dục, có quan hệ hàng dọc với Cục Khảo thí thuộc Bộ. Cũng có thể Bộ không đủ kinh phí , vì Việt Nam dù sao vẫn là một nước nghèo, dù tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục của Việt Nam đã thuộc vào hàng cao nhất thế giới[7]

Không sao; đã có sẵn một giải pháp vô cùng đơn giản. Chỉ cần Bộ công bố trên mạng toàn bộ số liệu thi cử mà hiện nay vẫn nằm im trong các cơ sở dữ liệu của Bộ và chưa được khai thác. Khi ấy, chắc chắn không cần Bộ kêu gọi cũng sẽ có rất nhiều người – các nhà báo, các học viên cao học về quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý các trường THPT ..., tự nguyện thực hiện phân tích số liệu để tìm câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi nói trên. Và cả nhiều câu hỏi khác nữa về chất lượng giáo dục Việt Nam mà lâu nay vẫn là một cuộc tranh cãi không có hồi kết, chỉ vì không có số liệu rõ ràng, cụ thể để có thể chấm dứt tranh cãi.

Để kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 thực sự là tiền đề đổi mới thi cử

Đến đây, có thể thấy câu hỏi mà lâu nay người dân vẫn đặt ra cho Bộ Giáo dục: “Thi mà như thế thì có cần thi không?” hóa ra lại là một câu hỏi sáng suốt. Mặc dù Bộ Giáo dục đã có những biện luận rất hay về sự cần thiết của kỳ thi tốt nghiệp THPT, về những tác động mà việc đổi mới thi cử có thể đem lại cho quá trình dạy và học, nhưng trên thực tế chính Bộ vẫn đang hành xử như thể kỳ thi tốt nghiệp chỉ nhằm vào việc xác định kẻ đậu người rớt, tức đã tự động chuyển mục đích của kỳ thi kiểm tra năng lực sang thành một kỳ thi tuyển chọn. Và nếu một kỳ thi tuyển chọn mà chỉ có thể loại đi khoảng 1% số người dự thi, thì rõ ràng kỳ thi đó là vô nghĩa. 

Tất cả những gì đã nêu trong bài viết này không nhằm mục đích chứng minh rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là kém chất lượng – đơn giản là vì chính tác giả bài viết này cũng không có số liệu để đi đến kết luận đó. Nhưng nếu chính Bộ Giáo dục là người nắm toàn bộ số liệu thi cử trong tay mà không đưa ra được số liệu rõ ràng để xóa bỏ những thắc mắc và nghi ngờ của công chúng, thì làm sao có thể mong chờ sự tin tưởng và hợp tác của người dân – vốn là những điều kiện rất cần thiết để cuộc “cải cách căn bản và toàn diện” nền giáo dục cùa Việt Nam?

Có một điều mà bất cứ một nhà quản lý giáo dục nào cũng cần hiểu. Đó là: Ý nghĩa của các cuộc thi đối với nhà quản lý chỉ thực sự bắt đầu khi cuộc thi đã hoàn tất và kết quả được thông báo đến thí sinh và công chúng. Vì chỉ đến lúc ấy thì nhà quản lý mới có trong tay toàn bộ số liệu thi cử để thực hiện các phân tích, biện giải, so sánh và đưa ra kết luận về hiện trạng của nền giáo dục. Cách làm này có lẽ Bộ Giáo dục cũng đã thấy qua cách hành xử của PISA mà Việt Nam vừa tham gia lần đầu tiên. Sau khi đã có kết quả của kỳ thi, PISA không chỉ thông báo cho mỗi quốc gia tham gia biết thứ hạng của mình (là điều có lẽ là quan trọng nhất đối với mỗi “thí sinh”), mà quan trọng hơn là thực hiện một loạt các phân tích và báo cáo, đồng thời công khai toàn bộ số liệu để mọi người đều có thể kiểm tra là thực hiện những phân tích độc lập khi cần.

Vì vậy, thay vì tiếp tục dùng lời lẽ khẳng định sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ Giáo dục có lẽ chỉ cần thay đổi quan niệm về thi cử để hiểu rằng mọi nhận định về kỳ thi đều phải dựa trên việc các phân tích trên các số liệu thi để có chứng cứ thuyết phục, đồng thời công bố rộng rãi các số liệu này đến công chúng để được phản biện, tương tự như PISA đã làm. Nếu làm được như thế thì chắc chắn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho việc tiếp tục đổi mới thi cử trong những năm tới, để đến lượt mình thi cử sẽ đem lại những tác động tích cực vào nền giáo dục Việt Nam như Bộ từng mong muốn.



No comments:

Post a Comment